banner 1

ARRC 2019 chặng 6: Âm ỉ sóng ngầm đỏ

1.212

(XE-VIETNAM.COM) – Chặng 6 mùa giải ARRC 2019 vừa khép lại tại Sepang, với Honda Vietnam Racing chặng đấu này đem lại cả những điểm tích cực lẫn những sự lo âu. So với màn trình diễn tại chặng 1 cũng diễn ra tại trường đua lớn nhất Đông Nam Á, ở bề ngoài có vẻ như đại diện duy nhất của Việt Nam chưa có những tiến bộ thực sự rõ ràng, nhưng ở bên trong, đội đang trải qua những cơn “sóng ngầm” mạnh mẽ để hướng tới mục tiêu trở thành đội đua hàng đầu châu lục.

Vùng vẫy trong biển kỹ thuật

So với chặng 1 ARRC 2019 diễn ra tại Sepang hồi tháng 3, giờ đây quay trở lại trường đua này sau 6 tháng, Honda Racing Vietnam vẫn phải đối mặt với bộn bề công việc trong vấn đề kỹ thuật, đặc biệt là tại hạng mục UB150. Đây là những khó khăn đã được lường trước bởi hạng mục UB150 là thể thức có mức độ “chạy đua vũ trang” cao nhất của giải đấu ARRC, các đội chỉ bị bó buộc với 2 yếu tố: Khung sườn phải được giữ nguyên so với bản thương mại và dung tích xy-lanh phải đúng mức 150cc.

Những biến thể từ Honda Winner 150 do Honda Racing Vietnam nghiên cứu phát triển vẫn chưa hoạt động trơn tru sau 6 tháng.

Nếu như ở chặng đầu, cả 2 tay đua Lê Khánh Lộc và Nguyễn Vũ Thanh đều hoàn thành trọn vẹn 2 ngày thi đấu thì ở chặng 6 vừa qua, chiếc xe của Nguyễn Vũ Thanh đều không thể hoàn thành nổi 3 vòng đua dù là trong thi đấu khởi động hay chính thức, trong khi đó chiếc xe của Nguyễn Đức Thanh cũng gặp trục trặc trong ngày thi đấu thứ 2. Nhưng điều đáng lưu ý ở đây là những chiếc xe mà các tay đua Việt Nam sử dụng ở chặng 6 vừa qua khác rất nhiều so với chặng 1. Phiên bản ở chặng 1 được coi như bản “Original”, là kết quả hợp tác giữa Honda Racing Vietnam và các đối tác, sau đó qua mỗi chặng các kỹ sư của đội đều tiến hành những phương án cải tiến cho thiết kế này. Đến chặng 6 vừa qua, chiếc xe của Vũ Thanh gần như được làm lại toàn bộ và rất đáng tiếc khi phần piston của chiếc xe gặp vấn đề, trong khi đó chiếc xe của Đức Thanh được điều chỉnh ở mức độ hạn chế hơn nhưng cũng chưa thể hoạt động trơn tru.

Xe đua hạng mục UB150 được Honda Racing Vietnam tự chủ kỹ thuật từ mùa giải ARRC 2019.

Ngay từ đầu, Honda Racing Vietnam đã hướng tới một mẫu thiết kế cải tiến từ Winner 150 với khả năng đề pa vượt trội, có khả năng duy trì vòng tua cao tại cua để tạo ưu thế. Thiết kế của chiếc xe về cơ bản thể hiện được điều đó, nhưng vấn đề khúc mắc nhất mà đội đang gặp phải là sự ổn định của động cơ, bên cạnh đó là sự “hòa hợp” của các tay đua với chiếc xe. Qua mỗi vòng đấu, các kỹ thuật viên của Honda Racing Vietnam luôn tìm những cách để “cá nhân hóa” chiếc xe hơn nữa nhằm vừa nâng sức mạnh, vừa điều chỉnh sự phù hợp với mỗi tay đua.

Tuy nhiên, để thực sự cạnh tranh và bứt phá, xe đua UB150 còn phải cải thiện nhiều hơn nữa.

Cần phải lưu ý, Honda Racing Vietnam mới chỉ có chưa đến 1 năm kinh nghiệm, quá khiêm tốn so với bề dày “lịch sử” của các đội khác. Thêm vào đó, các đội từ Malaysia hay Indonesia có các giải trong nước cũng chạy UB150 với luật giống ARRC, đây là môi trường tuyệt vời để các đội phát triển, thử nghiệm, kiểm chứng xe thường xuyên. Trong khi đó với Honda Racing Vietnam thì ý tưởng thường chủ yếu được mô phỏng trên Dyno, và đương nhiên những thử nghiệm trên Dyno thì không thể hoàn toàn tương ứng với thực tế.

Đôi đua Honda Racing Vietnam vẫn còn “non” kinh nghiệm so với các đội đến từ các nước có nền đua xe phát triển.

Thêm vào đó, vấn đề kỹ thuật cũng một phần do sự thiếu kinh nghiệm và chưa “nhạy cảm” của các tay đua. Ví dụ các tay đua cần phải cảm nhận được và biết chiếc xe đang gặp phải vấn đề gì để đánh giá, đưa ra quyết định chạy tiếp hay vào pit để điều chỉnh không gây hỏng hóc nghiêm trọng, đồng thời cung cấp được chính xác thông tin cho đội ngũ kĩ thuật,… hiện các tay đua Việt Nam chưa có được sự nhạy bén này.

Các lỗi kỹ thuật từ các tay đua được phản ánh chậm hơn đến bộ phận kỹ thuật.

Tại hạng mục AP250, mọi thứ có “dễ thở” hơn do Honda Racing Vietnam đã tự chủ kỹ thuật hạng mục này từ ARRC 2018 và hạng mục này cho phép mức độ tùy biến kỹ thuật hẹp hơn so với UB150. So với khối động cơ mà “Gã Điên” Cao Việt Nam sử dụng ở vòng 1, khối động cơ ở chặng 6 vừa qua về cơ bản là tương tự, nhưng đây là khối động cơ dự phòng, so với động cơ chính thì yếu hơn (động cơ chính bị lỗi từ chặng 5). Trong 2 mùa giải vừa qua, Honda Racing Vietnam chưa thực hiện được nhiều cải tiến trong khâu kỹ thuật ở hạng mục AP250, tuy vậy sang mùa giải ARRC 2020, Honda Racing Vietnam sẽ mang tới một “món quà” cho Cao Việt Nam bằng một khối động cơ mới có sự cải tiến về sức mạnh nhằm cạnh tranh Podium.

Tay đua Cao Việt Nam giành được 10 điểm ở chặng 1 ARRC năm nay …
… và giành đến 12 điểm ở chặng 6.

Với những gì Honda Racing Vietnam đã làm được tại mùa giải ARRC 2019 , đội đã dần tích lũy được những “bí quyết” để sẵn sàng “khô máu” với các đội đua khác vào mùa giải tới.

Nỗi lòng của các tay đua

Ánh mắt thất vọng của Nguyễn Vũ Thanh sau chặng 6 vừa qua là một điều thực sự ám ảnh. Trở lại Sepang sau 6 tháng với 4 chặng thi đấu kinh nghiệm tại các trường đua Châu Á khác, tay đua này đang muốn chứng tỏ rất nhiều. Vũ Thanh không chỉ đối mặt với một cuộc đua trên trường đấu, anh còn phải đối mặt với một cuộc đua để vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình. Chặng đầu ARRC 2019 đánh dấu sự trở lại của Vũ Thanh, mặc dù đã lành lặn về thể chất nhưng những chấn thương tâm lý dường như vẫn đeo bám tay đua sinh năm 1999, chặng đầu anh thi đấu khá lóng ngóng và phảng phất sự sợ hãi. Sau đó, tay đua này đã cố gắng để tìm lại cảm giác lái qua từng chặng đấu, tuy vậy hình ảnh một tay đua trẻ thi đấu đầy quyết liệt máu lửa từng giành tới 8 điểm ngay lần đầu thi đấu quốc tế tại chặng 1 ARRC 2018 vẫn chưa trở lại. Những tưởng ở chặng 6 anh sẽ có cơ hội để nhìn lại sự tiến bộ của mình tại Sepang nhưng anh đã không may mắn. Vũ Thanh sẽ còn phải tiếp tục với cuộc đua của chính mình, hy vọng ở chặng đua cuối tại Thái Lan anh sẽ có thể tìm lại được đỉnh cao của mình.

Nguyễn Vũ Thanh vẫn chưa đạt được thành tích như mong muốn của anh và đồng đội.

Nguyễn Đức Thanh là tay đua thay thế cho Lê Khánh Lộc ở hạng mục UB150, chặng 6 vừa qua là lần thứ 3 anh tham dự ARRC, và Sepang đã “lột trần” hoàn toàn sự non nớt trong kinh nghiệm thi đấu của anh. Đức Thanh chắc chắn vẫn cần thêm thời gian để hoàn thiện bản thân và quen dần với phong cách thi đấu quốc tế. Còn với Lê Khánh Lộc, sự trở lại của anh sau chấn thương chắc chắn sẽ gây nhiều hoài nghi.

Trong khi Nguyễn Đức Thanh vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm thi đấu quốc tế.

Cuộc cạnh tranh cho một vị trí thi đấu chính thức tại hạng mục UB150 trong mùa giải mới sẽ cực kỳ khốc liệt, không chỉ với Vũ Thanh, Đức Thanh, Khánh Lộc mà còn rất nhiều tay đua tại VMRC cũng đang nhăm nhe vị trí của các tay đua này.

Trong khi đó “Gã Điên” Cao Việt Nam ở chặng 6 vừa qua lại ghi nhận một chặng thi đấu sáng chói. Khoảng cách về sức mạnh của động cơ dự phòng so với động cơ chính đã được khỏa lấp bằng sự tiến bộ của Cao Việt Nam, với 12 điểm giành được, anh đã vượt qua mức 10 điểm mà anh giành được tại vòng 1, đưa chặng 6 trở thành chặng đấu thành công nhất của anh cho tới hiện tại. Hơn thế nữa, “Gã Điên” đã phô diễn một màn trình diễn đầy kỹ thuật và đậm chất “điên”, sau chặng 5 phong độ của Cao Việt Nam đã đem đến một số nghi ngại, tuy vậy chặng 6 vừa qua anh đã xua tan mọi nghi ngờ và đánh dấu sự trở lại của một “Gã Điên” đầy năng lượng và hiếu chiến.

Cao Việt Nam thi đấu “sáng chói” tại chặng 6 vừa qua.

Từ cách “tạm biệt” Sepang

“Muốn nhìn vào sự chuyên nghiệp của một đội đua, hãy nhìn cách họ rời trận đấu”, đây là nhận định chung của rất nhiều nhà chuyên môn. Chỉ cần nhìn vào cách đội đua sắp xếp đồ đạc sau mỗi trận đấu, chúng ta có thể nắm được khá nhiều về phong cách, độ chuyên nghiệp của đội. Ở chặng đấu đầu tiên, Honda Racing Vietnam là một trong những đội rời pit cùng thời điểm với những đội thi đấu ở hạng mục ASB1000 (hạng mục thi đấu cuối cùng của giải) , nhưng ở chặng 6 vừa qua, đội có thời gian “đóng gói” ngang ngửa với các đội cùng thi đấu 2 hạng mục.

Một trong những thành công nhất của Honda Racing Vietnam đã đạt được cho đến hiện tại là một cơ chế làm việc chuyên nghiệp cùng đội ngũ nhân sự đang dần được hoàn thiện, cách thức vận hàng đội đua đang ngày càng trơn tru, chuyên nghiệp hơn.

Hiện tại bộ máy nhân sự, hành chính của Honda Racing Vietnam đã được tổ chức và hoàn thiện theo đúng mô tuýp của các đội đua MotoGP, theo hướng chuyên môn hóa và cá nhân hóa tối đa cho từng hạng mục, từng tay đua. Khả năng vận hành, phối hợp của các nhân sự đã đi vào quy củ, giờ đây “ai làm nhiệm vụ của người đấy”, đây là nguyên nhân sâu xa của việc rút ngắn thời gian thu dọn pit sau mỗi cuộc đua.

Theo định hướng chiến lược của Honda Việt Nam, cần phải hình thành một cơ chế vận hành phù hợp, đây giống như khung xương của một cơ thể trước khi đi sâu vào các vấn đề kỹ thuật đặc trưng.

Thêm một thành công khác của đội là cơ chế tìm kiếm tay đua, việc “khan nài” là vấn đề đau đầu không kém vấn đề kỹ thuật đối với Honda Racing Vietnam, tuy nhiên việc xây dựng giải đấu VMRC ngày càng lớn mạnh sẽ giúp Honda Việt Nam giải quyết được vấn đề này.

Đây chỉ là những cái nhìn rất tổng thể, để có thể tham dự đủ 6 chặng đấu đã qua của ARRC 2019 và vươn lên xếp thứ 7/20 đội đua tại hạng mục AP250 ngay năm đầu hoạt động độc lập là kết quả của những đợt “sóng ngầm” dữ dội, luôn âm ỉ trong Honda Racing Vietnam, nơi mỗi thành viên của đội luôn phải cố gắng từng ngày để hoàn thiện bản thân để cùng hướng đến mục tiêu đạt danh hiệu trong một ngày gần nhất!

Bảo Thạch (X&XH)

Comments are closed.